Góc cựu sinh viên

NGUYỄN VĂN VIỆT

09/03/2023

Anh Nguyễn Văn Việt là một trong số những cựu sinh viên xuất sắc của Khoa Luật, trường Đại học Thương mại. Hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng tranh tụng - Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

 

Tháng 8/2017, anh Việt chính thức bắt đầu cuộc hành trình của mình với công việc đầu tiên là nhân viên tư vấn pháp lý cho Văn phòng Luật sư. Đến tháng 02/2021, anh Việt đã gia nhập vào Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc của mình, anh Việt có chia sẻ: trong thời gian đầu khi đi xin việc tại một tổ chức hành nghề luật sư, anh có làm công việc khác song hành đó là viết bài SEO cho một Website thiên về kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Dù mảng công việc này không liên quan đến lĩnh vực pháp luật nhưng cũng đã cho anh Việt được một số thứ, bên cạnh việc có thêm nguồn thu nhập còn rèn luyện thêm kỹ năng viết lách khá đa dạng. Cho đến hiện nay, anh chỉ làm công việc của một Luật sư tranh tụng nhưng anh nhận thấy rằng, hành văn của mình lưu loát hơn nhờ công việc mà anh đã làm.

Ngay sau khi ra trường, anh đã nhanh chóng tìm kiếm được công việc gắn liền với ngành học và phù hợp với bản thân của mình. Vì vậy anh Việt có khá nhiều kinh nghiệm muốn chia sẻ cho các bạn sinh viên sắp và đang trên con đường tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp: "Là sinh viên ngành luật từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cần có tính chủ động trong việc tìm kiếm môi trường để học việc từ giai đoạn cuối năm 3 đầu năm 4 đại học. Qua đó, khi bắt đầu ra trường, sinh viên cần phải hiểu được các mảng công việc mà mình có thể làm với tấm bằng mà mình đang có. Hiểu được nó, các bạn sẽ có quyết định lựa chọn đúng và phù hợp với khả năng cũng như kỹ năng mình đang có. Nếu không, các bạn sẽ mất thời gian để trải nghiệm để xem mình phù hợp với lĩnh vực nào liên quan đến nghề luật, bao gồm nhưng không giới hạn như tư vấn doanh nghiệp đầu tư, tranh tụng, pháp chế doanh nghiệp, công chức khối ngành tư pháp, viên chức nhà nước, công chứng, đấu giá, ....

Ngành Luật là ngành đặc thù không giống với đa số các ngành học khác, khi mới ra trường, thứ các bạn cần nhất ở lĩnh vực hành nghề luật bên cạnh kiến thức nền tảng đó chính là kỹ năng và kinh nghiệm. Do đó, khi mới bước chân vào các công việc pháp lý, mức đãi ngộ đối với cử nhân luật có phần thấp hơn so với phần còn lại. Sự cố gắng và phấn đấu của các bạn sẽ quyết định tới việc bạn sẽ được đãi ngộ cao hơn khi nào."

Bằng đam mê và quyết tâm theo đuổi của mình, ngay trong năm đầu tiên sau khi ra trường, anh Việt đã xác định mình sẽ phấn đấu để trở thành một Luật sư. Do đó, anh đã đăng ký học luôn khóa Đào tạo nghề Luật sư ở Học viện Tư pháp. Sau khi có chứng chỉ đào tạo nghề Luật sư, phải tập sự hành nghề trong thời gian 12 tháng tại một tổ chức hành nghề luật sư. Tiếp đến là lập hồ sơ báo cáo tập sự và đăng ký thi kết thúc tập sự để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Cùng với sự phấn đấu và nỗ lực, anh Việt đã xuất sắc vượt qua kỳ thi trong lần đầu tiên và trở thành Luật sư đầu tiên là cựu sinh viên Khoa Luật - Đại học Thương mại. Con đường trở thành một Luật sư giỏi cần rất nhiều sự trải nghiệm cả trong cuộc sống và công việc. Trong tương lai gần, anh sẽ phấn đấu cập nhật, tích lũy nhiều hơn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề, gây dựng uy tín cá nhân để vừa góp phần cho sự công bằng bình đẳng của xã hội trong sứ mệnh bảo vệ những người yếu thế về mặt pháp lý, qua đó được khách hàng tin tưởng giới thiệu để có điều kiện gia tăng thu nhập. Thời gian vừa qua, anh Việt cũng đã chia sẻ, định hướng cho nhiều bạn sinh viên đến văn phòng của anh để học việc, thực tập những bài học mà anh đã từng trải qua để các bạn có thêm luồng ý kiến tham khảo. Trong một năm tới, anh Việt hướng đến việc mở văn phòng luật sư của riêng mình nhằm chủ động hơn trong công việc, bởi cho đến nay anh đã đủ số năm hành nghề theo yêu cầu để có thể đứng tên tổ chức hành nghề luật sư.

 

Lời khuyên của anh Việt tới các bạn sinh viên Khoa luật, trường Đại học Thương mại là: bên cạnh vấn đề chú trọng học tập kiến thức chuyên môn, các bạn sinh viên cần rèn luyện cho mình bộ kỹ năng mềm bổ trợ cho lĩnh vực công việc mà sau này các bạn theo đuổi. Hãy rèn luyện nhiều hơn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tranh luận và phản biện, kỹ năng tra cứu và soạn thảo văn bản, kỹ năng viết lách, kỹ năng đặt câu hỏi mẫu chốt cho một sự kiện hay vấn đề, ngoài ra, kỹ năng đọc cũng hết sức cần thiết, các bạn nên đọc càng nhiều càng tốt, và tất nhiên phải đọc hiệu quả. Bên cạnh đó, phẩm chất đạo đức cũng là thứ rất cần khi hành nghề luật sư. Nghề luật sư dễ kiếm tiền, nhưng lại khó giữ khách. Do đó, để gây dựng uy tín, bên cạnh kết quả công việc đạt được còn phụ thuộc nhiều vào phẩm chất đạo đức của mỗi một luật sư.